Hạ viện Mỹ ngày 18/10 tiếp tục thất bại trong nỗ lực bầu Chủ tịch,ỗnloạnchínhtrườngMỹđedọabầusữaviệntrợtỷ lệ cá cược khi ứng viên Jim Jordan của đảng Cộng hòa không nhận đủ số phiếu cần thiết. Đây là lần thất bại thứ hai của ông Jordan và triển vọng được bầu làm Chủ tịch Hạ viện của ông vẫn rất mờ mịt, khi vấp phải sự phản đối từ chính các thành viên đảng Cộng hòa.
Điều này khiến Hạ viện Mỹ vẫn trong tình trạng không có người dẫn dắt trong hơn hai tuần kể từ khi chủ tịch Kevin McCarthy bị bãi nhiệm hôm 4/10. Thực tế này đã phủ mây mù lên tương lai viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ dành cho Ukraine, giữa lúc Kiev đang gặp hàng loạt thách thức cả trên chiến trường lẫn hậu phương.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 4/10 nhận định Ukraine có thể chỉ còn 6-8 tuần để tiến hành chiến dịch phản công, trước khi thời tiết mùa đông khắc nghiệt cản trở đáng kể mọi hoạt động tác chiến của họ.
Nga thời gian qua cũng nối lại chiến thuật tập kích hạ tầng cảng, kho bãi và năng lượng đối phương, báo hiệu một mùa đông nhiều khó khăn với cuộc sống của người dân và nền kinh tế Ukraine. Để giải quyết những thách thức này, Kiev không chỉ cần quyết tâm, mà còn phải nhận được sự hỗ trợ thực tế bằng tài chính và vũ khí của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên, "bầu sữa viện trợ" từ Washington đã tắc nghẽn với những hỗn loạn tại Hạ viện mà chưa biết đến khi nào mới được khơi dòng. Ngân sách chính phủ Mỹ, trong đó có viện trợ dành cho Ukraine, chưa được Hạ viện Mỹ thông qua vì những bất đồng chính trị sâu sắc.
Nghị quyết ngân sách tạm thời duy trì hoạt động cho chính phủ liên bang trong vòng 45 ngày, nguyên nhân trực tiếp khiến ông McCarthy mất ghế, không có điều khoản nào về hỗ trợ cho Kiev.
Dù Hạ viện Mỹ có chủ tịch lâm thời là nghị sĩ Patrick McHenry, cơ quan lập pháp này không thể hoạt động bình thường hay thông qua dự luật nào cho đến khi bầu được lãnh đạo mới.
Sau khi ông McCarthy rời ghế, đảng Cộng hòa đề cử lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise vào vị trí chủ tịch, nhưng ông bỏ cuộc sau khi không hội đủ sự ủng hộ trong đảng. Jordan là người tiếp theo được đảng Cộng hòa chọn làm ứng viên cho chiếc "ghế nóng" này.
Sau hai vòng bỏ phiếu thất bại, Jordan tin ông vẫn có thể chiến thắng và sẽ tiếp tục tham gia các vòng bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài vì ông McCarthy hồi tháng 1 phải trải qua đến 15 vòng biểu quyết cùng hàng loạt thỏa hiệp chính trị với phe cực hữu trong đảng Cộng hòa mới giành được ghế Chủ tịch Hạ viện.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đánh tiếng với quốc hội về nỗi lo đứt quãng viện trợ cho Ukraine từ tháng trước.
Ngày 24/9, khi nguy cơ đóng cửa chính phủ càng lúc càng gần, Ngoại trưởng Antony Blinken gọi điện cho nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, nhấn mạnh viễn cảnh Hạ viện cắt viện trợ cho Ukraine sẽ khiến Kiev hứng chịu cú sốc nghiêm trọng về kinh tế lẫn chính trị.
Ông kêu gọi McConnell thuyết phục những người đồng nghiệp ở Hạ viện đưa điều khoản hỗ trợ Ukraine vào nghị quyết ngân sách tạm thời, trước khi các bên đạt thỏa thuận mới về ngân sách hoạt động của chính phủ Mỹ cho năm tài khóa tiếp theo.
Nhưng Ngoại trưởng Blinken đã không thành công, bởi nghị quyết tạm thời được Hạ viện dưới sự chủ trì của McCarthy thông qua ngày 30/9 không có bất cứ điều khoản nào về viện trợ cho Ukraine. Dù vậy, phe cực hữu trong đảng Cộng hòa vẫn chỉ trích ông McCarthy "bội ước", điều khiến ông mất ghế.
Tình trạng hỗn loạn kéo dài tại Hạ viện khiến thỏa thuận 24 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine mà Nhà Trắng đạt được với ông McCarthy hồi giữa năm đối mặt tương lai mờ mịt. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ứng viên Jordan sẽ tôn trọng thỏa thuận này.
"Các thành viên đảng tôi đang có nhiều hoài nghi, đặc biệt về mức độ minh bạch về trách nhiệm đối với điểm đến của dòng tiền viện trợ", ông McCarthy từng cảnh báo phe Dân chủ và chính quyền Tổng thống Biden về xu hướng ở Hạ viện đối với chính sách hỗ trợ Ukraine.
Các gói viện trợ cho Ukraine đang gây chia rẽ sâu sắc trong đảng Cộng hòa, khi một bộ phận nghị sĩ đảng này cho rằng Washington đã chi quá nhiều cho Kiev và "tiền Mỹ phải được dùng để phục vụ kinh tế Mỹ". Các nghị sĩ Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tham nhũng tại Ukraine và hiệu quả thật sự của chính sách bơm tiền viện trợ cho nước này.
Trong giai đoạn phản công hiện nay, Ukraine sử dụng khoảng 2,5 tỷ USD mỗi tháng cho đạn dược và bảo trì vũ khí, theo ước tính trong các phân tích của Washington và đồng minh phương Tây.
Phần lớn khoản tiền này phụ thuộc vào nguồn viện trợ của Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức, tổng viện trợ từ Mỹ cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ vào tháng 2/2022 đến nay đạt khoảng 72,8 tỷ USD, bao gồm viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế.
Lãnh đạo Văn phòng Tài chính Lầu Năm Góc Michael McCord hồi cuối tháng 9 cảnh báo Hạ viện rằng nguồn quỹ hỗ trợ Ukraine đang cạn kiệt. Trong thư gửi nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ, ông McCord tiết lộ Lầu Năm Góc còn hạn mức 5,4 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, đủ để hỗ trợ Kiev trong hai tháng.
Ông cũng tiết lộ rằng gói viện trợ 26 tỷ USD được thông qua trước đó, nhằm thay mới vũ khí và thiết bị cho Ukraine, đã giải ngân gần hết và chỉ còn khoảng 1,6 tỷ USD.
McCord cảnh báo rằng nếu Hạ viện không sớm thông qua gói hỗ trợ mới, Lầu Năm Góc phải trì hoãn hoặc cắt giảm vũ khí cho Ukraine, trong đó có khí tài phòng không, dù Nga có dấu hiệu mở lại các cuộc tập kích mùa đông nhắm vào hạ tầng dân sự Ukraine.
"Việc chúng tôi thiếu tiền sẽ làm trì hoãn các hợp đồng mới, tác động tiêu cực đến năng lực của Bộ Quốc phòng trong kế hoạch đặt mua thêm đạn pháo 155 mm và các loại đạn cần thiết để đảm bảo thành công cho quân đội Ukraine", quan chức này nói.
Max Bergmann, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Âu và Nga thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định hỗn loạn ở Hạ viện Mỹ đã đẩy tương lai Ukraine vào "trạng thái vô định và nguy hiểm".
"Nếu Hạ viện Mỹ không sớm bầu được lãnh đạo và nhanh chóng thông qua đạo luật ngân sách dài hạn cho chính phủ, Ukraine sẽ chìm trong rắc rối. Sẽ có thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng, trong khi năng lực chiến đấu của quân đội nước này suy giảm nghiêm trọng do Mỹ không thể nhanh chóng cung ứng đạn dược", ông nói.
Điều này có thể đe dọa tới ổn định kinh tế và chính trị của Ukraine. Các khoản hỗ trợ khổng lồ của phương Tây về bản chất đang giúp Ukraine trả lương cho khoảng 150.000 công chức nước này, cùng hơn nửa triệu nhân sự ngành giáo dục. Tiền viện trợ cũng đóng góp vào chi tiêu chính phủ Ukraine cho các lĩnh vực dịch vụ công như y tế và trợ cấp nhà ở.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hồi tháng 9 xác nhận "toàn bộ tiền lương ở khu vực dịch vụ công ở Ukraine trong một năm qua" được trả bằng chương trình viện trợ Duy trì Năng lực Hành chính Chi tiêu Công (PEACE) của World Bank. Chương trình này đã tài trợ cho chính phủ Ukraine 23,4 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp 20,2 tỷ USD, Anh góp 2 tỷ USD.
"Tôi không thấy Ukraine có bất kỳ phương án thay thế nào khác. Dòng sữa viện trợ của Mỹ có ý nghĩa sống còn với Ukraine", Bill Taylor, phó chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, nhận định.
Thanh Danh(Theo CNN, WSJ)